Chú Giải Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXX Mùa Thường Niên (Lc 13,10-17) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ HAI TUẦN TUẦN XXX MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 13,10-17

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Ep 4, 3-5,8

Cũng như trong tất cả các thư của Thánh Phaolô, phần mở đầu thuộc về các điều tín lý, và vào phần cuối, ông dành cho các lời khuyên răn thuộc hành thuộc phạm vi luân lý. Nhưng trong các lời khuyên vẫn còn xen lẫn giáo lý cách nhẹ nhàng: Ông không nhắm vào một nền luân lý hoàn toàn nhân bản, Đức Kitô luôn hiện diện trong đó… chính Người chứng thực sâu xa tất cả những thái độ mà Phaolô đòi hỏi trong đó.

Anh em hãy đối xử với nhau và có lòng thương xót. Hãy tha thứ cho nhau như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô.

Các trang sách đọc trong tuần qua, đã làm nổi bật trước mặt chúng ta mầu nhiệm Đức Kitô, mầu nhiệm Thân Thể Đức Kitô: từ đó, trực tiếp tuôn chảy, một thái độ, một tình thương giữa chúng ta ! đang khi là “thân thể của nhau” làm sao chúng ta sống mà không thương yêu nhau ?

Vả lại, đây không phải chỉ là một tình liên đới tầm thường hay một tương trợ đơn giản, mà còn là một yêu sách được thiết lập trong Đức Kitô.

Dưới khía cạnh này, tôi dùng thời giờ để xét lại cuộc sống riêng tư của tôi, những khi giao tiếp với các người cùng sống thường xuyên với tôi…

Vậy anh em hãy “bắt chước Thiên Chúa” vì anh em là con cái được Người yêu thương. Đức Giêsu đã nói: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, là Đấng hoàn thiện” ( Mt 5,45).

Bắt chước Thiên Chúa. Điều này nhằm cách riêng vào lĩnh vực tình yêu vì Thiên Chúa là tình yêu “Đây là điều răn của Thầy “ anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12).

Hãy sống trong tình bác ái như Đức Kitô

Không, đây không phải là một nền luân lý theo nghĩa thường của nó. Cũng không phải một lề luật, một bộ luật giáo điều: Cấm kỵ hay không. Đây là một người nào để bắt chước.

Do đó, điều quan trọng trong việc suy niệm Tin Mừng là đặt Đức Kitô trước mặt chúng ta không ngừng. Người đã làm gì? Người đã suy tưởng thế nào ? Người đã có phản ứng làm sao trong trường hợp tương tự?

Người đã yêu thương chúng ta và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến tế và hy lễ dâng lên Thiên Chúa để làm đẹp lòng Người.

Cuộc Khổ nạn, Thập giá…là thời điểm cốt yếu của cuộc đời Đức Giêsu. Thời điểm của tình thương trọn vẹn và vô biên. Chúng ta thường có ít nhiều khuynh hướng quên đi điều đó…khi bắt chước cuộc sống của Người, mà không lưu tâm đến khía cạnh đó.

Tuy nhiên thái độ căn bản này của Đức Giêsu được nhắc lại cho ta trong thánh lễ: “Này là mình Ta sẽ bị nộp”. Thông hiệp với Đức Kitô tức là thông hiệp với Người đã phó mạng sống vì tình yêu.

Trong câu nói này của Thánh Phaolô, tôi ghi nhận thứ tình thương đầy ắp trong trái tim của Đức Giêsu trên Thập giá:

Người đã phó nộp mình vì chúng ta.

Người đã dâng hiến mình cho Chúa Cha, để làm đẹp lòng Người…

Đức Giêsu đã nói về hai điều răn mà chỉ nên một!

Chính Người đã sống điều răn ấy.

Chuyện gian dâm…Thứ ô uế…Ham mê tích trữ. Những lời thô tục… Tham lam… Đó là các việc bị loại ra khỏi nước của Đức Kitô và của Thiên Chúa.

Tất cả những điều đó là nền luân lý đơn giản tự nhiên và hơn nữa đó là bổn phận của người Kitô hữu.

Hãy ăn ở như con cái ánh sáng.

Bài đọc II: Rm 8, 12-17

Chúng ta không phải là những kẻ mắc nợ xác thịt, để chúng ta sống theo xác thịt. Vì chưng, nếu anh em đã sống theo xác thịt, anh em sẽ phải chết ; nhưng nếu nhờ Thần Trí mà anh em đã giết được các hành động thân xác, thì anh em sẽ được sống.

Phaolô đã trình bày ơn cứu rỗi trong Đức Giêsu Kitô như một cuộc “ giải phóng” khỏi sự chết, khỏi tội lỗi, khỏi lề luật. Nhưng đây là một cuộc “giải phóng” phải không ngừng hoàn tất. Ở đây, chúng ta gặp lại sự so sánh quen thuộc nơi Thánh Phaolô, giữa “xác thể và tinh thần”.

Đối với Thánh Phaolô, xác thể trước hết không phải là thân xác con người, nhưng là “con người trọn vẹn khi nó không được đặt lại trong ý hướng của Chúa”.

Tóm lại cho gọn, mỗi lần gặp lại trong các bản văn của Phaolô từ “ xác thể”, người ta có thể thay thế bằng từ “con người không nhận có Chúa”.

Trái al5I, tinh thần, không chỉ là linh hồn, nhưng là con người toàn diện được Thiên Chúa thúc động.

Những ai sống theo Thánh Thần Thiên Chúa, thì là con cái Thiên Chúa.

Để Thiên Chúa “dẫn đưa”…”dẫn đưa tôi”! Đó là điều hoàn toàn thay thế lề luật. Đó là điều giết chết mọi thái độ quá luân lý hoá cả thái độ của “con người không nhận có Chúa” mà lý tưởng bình thường của họ là tránh sự dữ và thực hiện điều lành. Đối với Kitô hữu, không còn lề luật nữa, “để cho Thánh Thần Chúa dẫn đưa” là đủ. Thật là một sự đơn giản quá lớn lao về luân lý ! Nhưng điều đó không dễ dàng, xa rời luân lý. Bởi vì người ta không khi nào làm xong. Người ta chuyển từ một quy luật, nhờ đó người ta có thể “nên mực thước” khi hoàn thành (rồi bỏ lại!)…tới một tình yêu một Đấng nào đó mà người ta không hề tiến tới đầy đủ được.

Không phải anh em đã nhận tinh thần nô lệ trong sợ hãi nữa, nhưng đã nhận tinh thần nghĩa tử.

Tiến tới những tâm tình hiếu thảo đối với Thiên Chúa. Giã từ sự sợ hãi ! Không phải một tinh thần nô lệ, nhưng là tinh thần cha con, tinh thần dưỡng tử. Từ “dưỡng tử” có thể giúp chúng ta suy xét. Trong trường hợp thừa nhận một người con , truyền thống Do-thái nói về “ đứa con do lòng nhận hậu”, từ nhấn mạnh khía cạnh chọn lựa, sự chọn lựa bởi tình yêu, của người thừa nhận một đứa con. Lạy Chúa, Chúa thương yêu chúng con như thể một người mẹ thương con.

Lạy Chúa, Chúa biết chúng con như thế, và Chúa lo lắng cho chúng con như bậc cha mẹ lo lắng cho con cái.

Lạy Chúa, cũng vì thế, Chúa chờ đợi nơi chúng con tình thương chứ không phải sự sợ hãi, xin giúp chúng con đừng coi đời sống Kitô hữu chúng con với những từ bỏ nó kéo theo, như xiềng xích trói buộc một nô lệ. Chúa chờ đợi chúng con một quyết định phấn khởi của một người tự do, của một người con vui mừng vâng theo ý kiến của cha mẹ kính yêu. Lạy Chúa, một người theo Chúa chỉ vì sợ, điều đó không làm vui lòng Chúa.

Trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng : “Abba, lạy Cha”.

Thánh Phaolô tự ý dùng từ Hêbrêu này, từ thân quen của các trẻ em Do-thái thời đó: “ba”! Từ này không hề được dùng trong Kinh Thánh lẫn trong từ vựng của Do-thái giáo, Chúa Giêsu sáng kiến ra ! Chính Người là Đấng trước hết đã dám dùng từ thân tình và trìu mến này để nói về Thiên Chúa. Đây chính là từ đã được dùng ở đầu kinh “Lạy Cha”. Nên dừng lại lâu ở từ này. Lặp lại không ngừng. Với từ này thôi, có thể nuôi dưỡng trọn cả kinh nguyện. Chính thánh têrêsa thành Avila đã làm điều đó.

Chính Thánh Thần đã làm chứng cho tâm trí chúng ta rằng: Chúng ta là con cái Thiên Chúa, là những người thừa tự của Người.

Kinh nghiệm về sự hiện diện mầu nhiệm của Thánh Thần trong tâm trí chúng ta.

BÀI TIN MỪNG: Lc 13,10-17

Ngày Sabbat kia, Đức Giêsu giảng trong một hội-đường. Ở đó, có một phụ nữ bị ma quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được.

Một lần nữa, chỉ riêng Luca đã thuật lại ân huệ trên đối với một phụ nữ. Một lần nữa, lòng thương xót của Đức Giêsu đối với người nghèo khổ có dịp bộc phát. Lần này, Người quan tâm đến một người không thể trỗi dậy trong tư thế ‘đứng” ngay ngắn được. Cứ bị bó buộc phải nhìn xuống đất, không thể ngóng thẳng người đối thoại với mình, không có khả năng ngước lên cao: Thật là đau khổ biết bao!

Đây là hình ảnh ám chỉ nhân loại bị “giam giữ”.

Trông thấy bà, Đức Giêsu gọi lại và bảo: “ Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền”. Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được.

Tôi chiêm ngắm “hình tượng” trên: Đức Giêsu “đứng thẳng” bên cạnh người đàn bà tật nguyền. Không chờ đợi bà phải ngỏ lời xin xỏ, Đức Giêsu đã chủ động trước. Người đặt tay trên chiếc lưng còng của bà. Và lập tức bà đứng thẳng ngay được.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con vươn thẳng lên! Lạy Chúa, xin giúp mọi người đang khòm lưng xuống đất được dịp đứng thẳng dậy.

Và bà tôn vinh Thiên Chúa.

Tôi lắng nghe lời bà. Tôi thử tưởng tượng những gì bà đang nói.

Luca là Thánh sử chuyên viết về những lời ca tụng. Ông thường ghi nhận rằng, dân chúng bắt đầu “tôn vinh”, khi họ chứng kiến một điều kỳ diệu Thiên Chúa thực hiện ( Lc 2, 20. 5, 25-26. 7, 16. 17, 15-18. 18, 43. 19, 37 ;Cv 4, 21. 3,8-9).

Quá trình thuật trên, ta nhận ra một ý nghĩa mới của ngày Sabbat trở nên ngày của Chúa Giêsu, là ngày đề cao phẩm giá mới của con cái Thiên Chúa, là ngày ca tụng, “họp mừng”, tạ ơn Thiên Chúa.

Đối với tôi, thánh lễ có là một tác động tạ ơn không ? tôi phải tôn vinh Thiên Chúa về những điều gì ?

Ông trưởng hội-đường đã tức giận vì Đức Giêsu đã chữa bệnh vào ngày Sabbat. Ong lên tiếng nói với dân chúng rằng: “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến ngày Sabbat !”. Chúa đáp : “Quân giả hình kia, ngày Sabbat, ai trong các người lại không thả bò, thả lừa của mình ra khỏi chuồng và dẫn đi uống nước?…”

Đức Giêsu nhắc đến một thứ lương tri bình dân đơn sơ. Lề luật phải mang tính nhân bản. Chính vì quan tâm đến tar65t tự hoàn toàn nhân đạo và xã hội, vì chú ý đến con người trong nhà và ngay cả đoàn vật, mà lề luật đã đề ra việc “nghỉ ngày Sabbat”: “Ngày thứ Bảy, người ta sẽ bãi công, ngõ hầu con bò, con lừa được nghỉ, và đứa con của tớ gái người và khách ngụ cư… được xả hơi !” ( Đnl 5, 14 ; Xh 23, 12).

Oi, lạy Chúa, thế giới của chúng con hôm nay cần “xả hơi”, cần nghỉ ngơi biết bao!

Xin giúp chúng con biết lập lại ý nghĩa trên cho một Chúa Nhật. Ngày của niềm vui. Ngày hoàn thành công cuộc tạo dựng. Ngày thứ bảy, ngày Thiên Chúa nghỉ ngơi, mọi công việc ( St 2, 1-4).

Và chúng ta có biết dành cho người khác đang sống quanh mình khoảng trống để xả hơi, để sống thoải mái không ? Chúa Nhật, ngày giải phóng, ngày Đức Giêsu thực hiện công cuộc cứu-độ, ngày “cứu rỗi”.

Còn bà này là con cháu Abraham, bị Satan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được giải thoát khỏi xiềng xích vào ngày Sabbat sao?

Lạy Chúa, xin giải thoát chúng con khỏi mọi mối dây thắt buộc, khỏi mọi hình thức nô lệ.

Nghe Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể dân chúng thì vui mừng vì mọi kỳ công Người đã thực hiện.

Xin cho chúng con đơn sơ, như đám người biết ngỡ ngàng thán phục. Chớ gì con đừng khi nào bỏ qua một dịp để thán phục Chúa!

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Phải thực thi bác ái ngày sa bát.

HOÀN CẢNH:

Từ lâu, dân chúng đi theo nghe Chúa Giêsu quá đông và người Pharisêu có ác cảm với Người, nên Người ít giảng dạy trong các hội đường hơn trước. Nhưng hôm nay, ngày sa bát, Người vào giảng trong hội đường, và ở đó Người chữa một người đàn bà đã bị khòm lưng 18 năm, vậy mà viên trưởng hội đường đã cấm gián Người. Nhờ dịp này Chúa dạy bài học: luật giữ ngày nghỉ không bằng luật yêu người.

Ý CHÍNH:

Bài Tin mừng hôm nay ghi lại việc Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày sabát và cho thấy phải thi hành bác ái trong ngày này.

TÌM HIỂU:

10-11 "Ngày sabát kia, Đức Giêsu giảng dạy …":

Những câu này giới thiệu nơi chốn, hoàn cảnh và nhân vật câu chuyện: Chúa chữa lành cho người đàn bà bị quỷ làm cho tàn tật: diễn tả những đau khổ là do ma quỷ gây ra. Người đàn bà khòng lưng là hình ảnh thân phận con người dưới sách của ma quỷ.

12-13 "trông thấy bà, Đức Giêsu gọi lại và bảo…":

Những hành động: thấy, gọi, bảo và đặt tay của Chúa Giêsu: nói lên công việc cứu thế của Chúa đối với con người.

"Bà đứng thẳng lên và tôn vinh Thiên Chúa": thái độ của người được cứu chữa là tôn vinh Thiên Chúa.

14 "ông trưởng hội đường tức tối…":

Các người Pharisêu cho rằng chữa bệnh, dù là phép lạ cũng là công việc không được làm trong ngày sabát (Lc. 6,7). Vì thế ông trưởng hội đường đã tỏ vẻ bực tức bằng cách trách gián tiếp Chúa qua việc nhắn nhủ dân chúng giữ ngày sabát.

15-16"những kẻ đạo đức giả kia…":

Chúa gọi những người có óc vụ luật, là những kẻ giả hình đạo đức giả vì chỉ chú trọng đến hình thức của luật mà không nghĩ đến giá trị của luật.

"thế trong ngày sabát, ai trong các ngươi lại không cởi dày…": Đức Giêsu so sánh những tập tục của dân làng: dắt bò đi uống nước ngày sabát, với việc cũng trong ngày sabát, Người chữa lành tật còng lưng cho người đàn bà là con cháu Apraham bị ma quỷ trói buộc, để đánh thức óc thực tế của họ và từ đó rút ra kết luận: luật bác ái quan trọng hơn giữ hình thức luật ngày sabát.

17"nghe Người nói thế…":

Phản ứng của những người chứng kiến phép lạ Chúa chữa lành bệnh cho người đàn bà bị còng lưng:

- Phe chống đối Chúa: xấu hổ trước việc tốt lành chữa bệnh là biểu lộ tình thương bác ái của Chúa.

- Toàn thể đám đông: vui mừng vì những việc hiển hách Thiên Chúa đã làm nơi Đức Giêsu.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Giáo huấn của bài Tin mừng hôm nay dạy chúng ta phải ưu tiên cho luật bác ái, vì luật đặt ra là để phục vụ con người. Như vậy ngày Chúa nhật cần phải thể hiện tinh thần bác ái, là mến Chúa yêu người, hơn là gò bó vào hình thức cấm kỵ của lề luật.

2. Nhìn vào Chúa Giêsu:

- Khi đang giảng trong hội đường, Chúa Giêsu trông thấy người đàn bà tật nguyền, Người không đợi bà này cất tiếng kêu xin, nhưng chính Người đã gọi bà lại và đặt tay chữa bà lành bệnh. Tình thương của Chúa bao giờ cũng đi bước trước, và đó là tính cách bác ái của Kitô giáo chúng ta.

Noi gương Chúa Giêsu chúng ta cần có bác ái và tình thương vô vị lợi.

- Chúa chữa bệnh vào ngày sabát, chứng tỏ Người muốn dành ưu tiên cho luật bác ái trên các luật khác. Và đồng thới Chúa cũng cổ võ cho việc phụng thờ Thiên Chúa trong ngày sabát bằng những công việc bác ái từ thiện.

Noi gương Chúa, chúng ta nghỉ việc xác ngày Chúa nhật để rảnh rang làm những việc bác ái: như phục vụ người nghèo kh1, bệnh tật, già nua… hoặc thăm viếng, an ủi, ủy lạo những người gặp khó khăn, đau khổ.

- Qua phép lạ Chúa cứu chữa cho người đàn bà còng lưng này, Chúa Giêsu muốn tỏ rằng Người là Đấng Cứu Thế, Người đến để giải thoát con người khỏi sự thống trị của quyền lực ác quỷ và xác thịt.

3. Nhìn vào người phụ nữ còng lưng:

Đây là thân phận con người sống dưới ách nô lệ của tội lỗi do ma quỷ khống chế, vì "bị quỷ làm cho tàn tật"

- Còng lưng khiến bà không nhìn lên trời vì bị ma quỷ trói buộc, nên con người tội lỗi không thấy Chúa được.

- Đau khổ suốt 18 năm: con người bất lực trước sự trói buộc của ma quỷ. Sống trong tội lỗi, con người bất lực không thể chỗi dậy được, nên cần có ơn Chúa như ở đây là được Chúa nhìn thấy, lại gần, đặt tay chữa bệnh. Cần có ơn Hiện Sủng để giúp tội nhân trở lại.

- Khi khỏi bệnh: bà đứng thẳng và tôn vinh Thiên Chúa: khi nào chúng ta từ bỏ ma quỷ, chúng ta mới sáng suốt, tự do tôn vinh Thiên Chúa được.

4. Nhìn vào ông trưởng hội đường:

Ông này đại diện cho những người giả hình: sống vụ luật. Đây là thứ giả hình tồi tệ nhất, vì nó đặt lợi ích vật chất lên trên lợi ích nhân bản. Ngày sabát người ta còn được phép cho gia súc đi ăn uống, thì hà cớ gì lại cấm Chúa Giêsu chữa lành một con người! Như thế, người ta biến con người thành kẻ phục vụ mù quáng cho lề luật, trong khi lề luật được lập ra vì lợi ích con người và để phục vụ con người.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.